Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết Hạ nguyên hàng năm được tổ chức trọng thể, vượt ra ngoài phạm vi gia đình và trở thành một lễ hội tâm linh của dân tộc Việt, một sinh hoạt tín ngưỡng mang đậm tính nhân văn nơi chốn già lam thanh tịnh. người Phật tử trong ngày nay sẽ hướng tâm tu tập, tưởng nhớ hồng ân chư Phật mười phương gia hộ, Thánh thần độ trì, kế đến là ông bà tổ tiên che chở. Đây cũng là dịp để mỗi người kết nối truyền thống gia đình trong tinh thần tri ân và báo ân.
Tết Hạ nguyên là Tết gì?
Tết Hạ nguyên là Tết cuối cùng của bộ ba Tết Thượng nguyên (rằm tháng Giêng), Tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ nguyên (rằm tháng Mười) trong năm.
Rằm tháng Mười còn gọi là Hạ nguyên Tiết (下元節), lễ Hạ nguyên, Tiêu Tai nhật, Tạ Bình An nhật, là ngày sinh của Thủy Quan Đại Đế. Vì đây là ngày vua Hạ Vũ giải tai ách cho nhân sinh nên còn gọi là “Hạ nguyên Giải Ách Thủy Quan Đại Đế Thắng Hội”, “Hạ nguyên Thủy Quan Thánh Đản”, “Tết lúa mới”…
ngày rằm tháng Mười người dân thường dùng chính thóc lúa mới vừa được thu hoạch chế biến thành các món ăn truyền thống theo phong tục tập quán của từng địa phương như: Xôi, chè kho, bánh ít, bánh dày,… (Ảnh minh họa: nguồn: Internet)
Ca dao Việt nam ta có câu:
“Rằm tháng Giêng, ai có tiền thì quảy,
Rằm tháng Bảy, kẻ quảy người không,
Rằm tháng Mười, mười người mười quảy”.
như vậy, trong ba ngày rằm, rằm tháng Mười là ngày mọi người ai cũng đều cúng quảy. Theo phong tục cổ xưa, Tết Hạ nguyên là dịp “tiến tân” cơm gạo mới, sắm sửa hương hoa, đèn nến thiết lập mâm lễ thơm ngon tinh khiết để dâng cúng tổ tiên. Tết Hạ nguyên – Rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết mừng lúa mới, Tết cơm mới là lễ hội có vị trí vô cùng quan trọng đối với cư dân nông nghiệp. Lễ hội này trước đây được tổ chức rộng rãi, từ vùng đồng bằng màu mỡ cho tới vùng núi cao và cao nguyên nắng gió. người dân mọi nơi đều có các hoạt động mang ý nghĩa mừng lúa mới, mừng mùa màng bội thu. Tết cơm mới đối với đồng bào các dân tộc giữ vai trò đặc biệt như ngày Tết nguyên đán của người Kinh.
Ý nghĩa Tết Hạ nguyên trong Phật giáo
Rằm tháng Mười không chỉ được tổ chức theo phong tục tập quán ở mỗi địa phương mà còn lan tỏa vào từng mái chùa:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Lễ Hạ nguyên ở chùa tuy hình thức có phần đơn giản hơn so với các lễ hội Phật giáo khác như Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu Lan nhưng về nội dung vẫn phản ánh đậm nét màu sắc tâm linh, nhắc nhở các Phật tử sống đúng Chánh pháp, noi theo gương hạnh của chư Phật và chư Tổ.
Đối với người Phật tử, rằm tháng 10 là dịp để hướng tâm tu tập, siêng làm điều thiện, tu tâm dưỡng tính và tưởng niệm công đức của chư Phật, Bồ Tát và các vị Tổ sư (Ảnh: Ban thờ Phật tại trụ sở công ty Trúc Lâm Quán Tuệ)
Sở dĩ như vậy là do có một quá trình tiếp biến của đạo Phật vào trong tín ngưỡng dân gian, văn hóa dân tộc. Đạo Phật đã thể hiện tinh thần nhập thế, đi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống để độ sinh, hòa nhập một cách uyển chuyển trong các nghi thức, tập tục, lễ hội dân gian…. lồng ghép vào đó những giá trị nhân văn cao cả.
ngày rằm tháng Mười được coi như lễ tạ ơn. Đúng với tinh thần nhớ ơn, đền ơn trong Tứ Trọng Ân đức Phật đã dạy khi còn tại thế: Ân Tam bảo, ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân chúng sinh vạn loài. Đối với người Phật tử, rằm tháng 10 là dịp để hướng tâm tu tập, siêng làm điều thiện, tu tâm dưỡng tính và tưởng niệm công đức của chư Phật khắp mười phương. Đồng thời bày tỏ lòng thành kính với công ơn truyền dạy của các vị thầy, bậc thiện tri thức. Đó là dâng cúng hương hoa tinh khiết tới trời đất, hương trầm nghi ngút lan tỏa muôn phương, là trầu cau hiến cúng Thánh thần chiếu diệu khắp thiên đường và địa giới, là xôi gạo mới tinh dẻo thơm cáo bạch ông bà tổ tiên… Tất cả để minh chứng cho tấm lòng thành của gia chủ trước công đức của chư Phật, Bồ Tát, Thánh hiền, Long thiên Hộ pháp, ông bà tổ tiên và chúng sinh hiện hữu khắp pháp giới. Đây cũng chính là cội rễ của các giá trị tâm linh mà con người suốt đời trải nghiệm trong đời sống tương tục này.